Hơn 20 ngày nằm viện để điều trị H5N1, 3 lần chị Thủy lâm vào cảnh thập tử nhất sinh, tràn khí màng phổi, trụy tim mạch... Đủ thứ máy móc cắm vào người chị để giành sự sống - được bác sĩ ví như một dàn nhạc - không thiếu thứ gì.
Ngày 10/3, chị Thủy (25 tuổi, đang nuôi con nhỏ 3 tháng, ở Sóc Sơn, Hà Nội) được chuyển từ Bệnh viện Bắc Thăng Long lên khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân sốt cao 41 độ, khó thở dữ dội, tím tái, tim đập nhanh. Nồng độ ôxy trong máu rất thấp, chỉ còn 43 mmHg (trong khi thông thường dưới 50 mmHg là có nguy cơ tử vong).
Phó giáo sư Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực cho biết: "Đây là lần thứ nhất chúng tôi đấu tranh với tử thần để giành sự sống cho bệnh nhân. Ngày đầu vào khoa, bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo, nhưng đến ngày thứ 3, 4 đã suy đa phủ tạng - suy 4 trong 6 tạng. Thể trạng bệnh nhân sau sinh vẫn còn rất yếu nên việc điều trị càng khó khăn gấp bội".
Vợ chồng chị Thủy ngày ra viện, cùng bà nội và cậu con trai hơn 4 tháng. Ảnh: N.P. |
Trong phòng bệnh nhân lúc nào cũng có 3 bác sĩ túc trực ngày đêm, thường xuyên theo dõi các chỉ số, điều chỉnh đủ thứ máy móc cắm vào người bệnh nhân. Chưa kể số lượng lớn nhân viên y tế ở ngoài phòng bệnh chạy đi lấy các vật dụng... Hàng trăm nhân viên y tế cùng tham gia chữa trị ca bệnh.
Không những thế, bệnh nhân còn bị biến chứng tràn dịch màng phổi, nhưng nghiêm trọng nhất là tràn khí màng phổi vào ngày thứ 7. Phổi bị xẹp lép lại, khiến việc thở máy càng khó khăn.
"Hết tràn khí màng phổi, bệnh nhân lại nhiễm trùng nặng, trụy tim mạch. Một lần nữa sự sống của bệnh nhân lại trở nên mong manh. Hơn 2 tuần cứu chữa cho bệnh nhân, ngày nào cũng vậy, cả kíp trực phải liên tục theo dõi trong tình trạng căng thẳng", Phó giáo sư Bình kể.
"Chúng tôi thường nói đùa với nhau 'người ta diễn xiếc trên dây chỉ vài phút còn mình diễn xiếc trên dây cả chục ngày'. Nghiêng bên này, bên kia, theo dõi từng chỉ số điều chỉnh máy, chỉ sơ sẩy vài giây là bệnh nhân có thể tử vong'", Phó giáo sư Bình cười nói.
Trong khi các bác sĩ cứu chữa cho vợ, anh Nguyễn Văn Hùng, chồng bệnh nhân lo lắng đứng ngồi không yên bên ngoài phòng bệnh. Anh Hùng kể lại, khi còn nằm ở Bệnh viện Bắc Thăng Long, gia đình anh cũng đã xác định hết rồi, khả năng sống sót còn rất thấp, chỉ còn mong chờ vào "phúc của nhà".
Từng ngày anh vẫn túc trực bên ngoài phòng vợ, ngày cũng như đêm. Từ lúc đưa vợ lên Bệnh viện Bạch Mai chưa đêm nào anh ngủ được, chỉ ngồi ngoài hành lang, hút thuốc. Thỉnh thoảng lại ngó vào phòng, rồi hy vọng nhờ phép màu chị sẽ tỉnh nhưng bao nhiêu lần anh nhìn vào, chị vẫn nằm yên bất động. Không biết đã bao lần anh khóc, không phải khóc trong lòng mà thành tiếng.
"Những lúc đấy, tôi chỉ thấy thương đứa con nhỏ, mới sinh mấy tháng đã phải xa mẹ. Giờ nếu chẳng may tự nhiên mẹ mất, hai bố con biết sống như thế nào. Thấy chán, không suy nghĩ được gì, đầu óc trống rỗng, có lần leo từ tầng 1 lên tầng 4, chả biết thế nào cứ đi mãi, leo tít lên tầng 6, có người gọi cũng không biết", anh Hùng kể lại.
Với chị Thủy, ngày ra viện sau gần một tháng cũng là ngày chị được gặp cậu con trai mới sinh, giờ đã được hơn 4 tháng. Vẫn còn hơi mệt sau một thời gian dài nằm yên một chỗ nên chị vẫn ngồi xe lăn nhưng khuôn mặt rạng ngời vì được gặp con.
"Đến khi tỉnh lại tôi mới có cảm giác mình vẫn còn sống. Và vui mừng hơn cả là tôi được gặp lại con, thằng bé vẫn rất kháu khỉnh, trắng trẻo. Người còn yếu nên không dám bế con nhưng được nhìn thấy con là vui rồi", chị Thủy cười nói dù giọng vẫn còn rất yếu.
Bà Khổng Thị Phượng, mẹ chồng của bệnh nhân, xúc động tâm sự: “Mới đầu nghe tin con dâu bị cúm H5N1, cả nhà đều hoang mang, lo lắng, thậm chí nghĩ đến tình huống xấu nhất. Nhưng may gặp được bác sĩ, chữa cho cháu kịp thời. Các bác sĩ đã trả lại cho gia đình tôi người con, người vợ và đứa cháu mới sinh không còn sợ lâm vào cảnh mồ côi mẹ".
Theo Phó giáo sư Nguyễn Gia Bình, bệnh nhân được cứu sống nhờ rất nhiều vào phương pháp lọc máu liên tục bằng quả lọc chuyên biệt, một phương pháp mới của Nhật Bản. Trước sự sống còn của bệnh nhân, các bác sĩ đã quyết định thử phương pháp mới này để hấp phụ các nội độc tố đang lưu hành trong máu, giảm bớt các phản ứng viêm và tổn thương các cơ quan.
Ông cũng cho biết, phương pháp này được ứng dụng rộng rãi tại Nhật Bản, điều trị tất cả các bệnh nhiễm trùng, virus... Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên được áp dụng trên bệnh nhân cúm gia cầm.
"Bệnh nhân được cứu sống sẽ mở ra một hướng đi mới trong điều trị các bệnh nhân bị suy đa phủ tạng do nhiễm cúm H5N1, H1N1... Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân bị suy đa phủ tạng rất lớn, đến 90%, thậm chí là 100%", Phó giáo sư Bình nói
Tuy nhiên, chi phí của kỹ thuật này cũng rất lớn, mỗi quả lọc giá 3.500 USD, mà mỗi bệnh nhân thường dùng 3-5 quả. Trong trường hợp bệnh nhân Thủy, chi phí điều trị lên đến 10.500 USD, tương đương 200 triệu đồng.
Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ được miễn phí hoàn toàn, theo quy định của Bộ Y tế. Còn quả lọc chuyên biệt nằm trong dự án bệnh viện hợp tác với Nhật Bản, nên cũng miễn phí.
Nếu bạn gặp khó khăn về ngoại ngữ hãy coppy tên try cập ( link ) của trang hoặc đoạn văn bản cần dịch dán vào trang Google dich . Xin cảm ơn các bạn đã ủng hộ chúng tôi !
0 nhận xét:
Đăng nhận xét